WikiStock
Tiếng Việt
Tải về
Trang chủ-Tin tức-

MSN: Vì sao các tổ chức tài chính tích cực với cổ phiếu MSN?

iconStockbiz

2024-06-26 07:31

Mức vốn hóa hiện tại cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan được cho rằng chưa phản ánh đúng giá trị nội tạ

  Mức vốn hóa hiện tại cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan được cho rằng chưa phản ánh đúng giá trị nội tại của doanh nghiệp. Điều này là do với chỉ tổng vốn hóa của hai tài sản là Masan Consumer và ngân hàng Techcombank đã vượt qua giá trị của MSN.

  Tại ngày 7/6/2024, vốn hóa Masan đạt 116.821 tỷ đồng và tổng giá trị vốn hóa phần sở hữu tại Masan Consumer và Techcombank là 118.508 tỷ đồng (đã trừ nợ ròng trên BCTC riêng). Những con số này phản ánh rằng giá trị vốn hóa của chỉ riêng công ty thành viên, công ty liên kết của Masan là Masan Consumer và Techcombank đã bằng thậm chí vượt giá trị vốn hóa của Masan.

  Điều này cũng hàm ý rằng, cổ đông sở hữu cổ phiếu MSN với vùng giá hiện tại được “tặng miễn phí” các tài sản giá trị khác của Masan như Masan MEATLife, Masan High-Tech Materials, WinCommerce, Phúc Long Heritage... Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng của hai tài sản Masan Consumer và Techombank cũng đầy hứa hẹn trong năm nay, góp phần thúc đẩy giá trị của Masan hơn nữa.

  Masan Consumer - top 10 công ty có giá trị nhất sàn chứng khoán

  Theo thông tin trong kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa qua, Masan Consumer lên kế hoạch niêm yết toàn bộ 717.504.156 cổ phiếu đang lưu hành của công ty trên Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

  Tính đến ngày 21/6/2024, MCH đang giao dịch trên sàn Upcom với giá đóng cửa là 202.500 đồng, tương đương giá trị vốn hóa thị trường hơn 158.000 tỷ đồng (6,2 tỷ USD). Masan hiện đang sở hữu 68% vốn cổ phần của MCH.

  Người tiêu dùng Nhật Bản hào hứng đón nhận sản phẩm tương ớt CHIN-SU Sriracha mới - một sản phẩm của MCH.

  Trong thời gian tới, với mức vốn hóa hiện tại đạt hơn 158.000 tỷ đồng, khi MCH được niêm yết trên HOSE thì doanh nghiệp này sẽ lọt vào top 10 công ty có giá trị vốn hóa cao nhất sàn chứng khoán và sẽ có tiềm năng được cho vào các bộ chỉ số quan trọng của Vn-Index, góp phần đưa MCH vào danh mục nắm giữ của các quỹ lớn trên thị trường chứng khoán.

  Đơn cử, với mức vốn hóa tương tự, cổ phiếu VPB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng hiện chiếm lần lượt là 6% tỷ trọng danh mục của quỹ DCVFMVN30, quỹ mô phỏng chỉ số VN30, và 8,5% trong quỹ VEIL, một trong những quỹ ngoại lớn nhất đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị tài sản ròng hơn 1,8 tỷ USD. Cả hai quỹ này đều thuộc công ty quản lý quỹ Dragon Capital. Với tiềm năng kể trên, định giá của MCH còn nhiều dư địa tăng trưởng khi cổ phiếu doanh nghiệp được niêm yết trên sàn HOSE và được các quỹ mua vào.

  Mới đây Masan Consumer công bố thông tin sẽ thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 55% trong tháng 7 sắp tới và xin ý kiến cổ đông để tạm ứng cổ tức năm 2024. Điều này hé lộ rằng doanh nghiệp sẽ tiếp tục chia cổ tức trong năm nay sau quyết định chia cổ tức tỷ lệ 100% trước đó.

  Theo báo cáo mới nhất của chứng khoán HSC, MCH đang được định giá đến 7,3 tỷ USD. Với giá trị vốn hóa hiện tại, MCH còn tiềm năng tăng trưởng đến 18%.

  Nhận hơn 1.000 tỷ đồng từ Techcombank

  Vào ngày 2/5/2024, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank - TCB) đã có Quyết định triển khai việc chia cổ tức bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng. Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt là 22/5/2024. Tỷ lệ thực hiện là 15%/cổ phần, tức 1 cổ phần nhận 1.500 đồng, ngày thanh toán cổ tức là 5/6/2024. Sở hữu 19,9% lợi ích kinh tế tại TCB, Masan dự kiến sẽ nhận được hơn 1.000 tỷ đồng, giúp công ty thuận lợi trong công tác giảm đòn bẩy tài chính.

  Cửa hàng WIN hiện đại của Masan.

  Trong quý 1/2024, ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6.277 tỷ đồng. Theo báo cáo mới nhất của chứng khoán Vietcap, TCB kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ vào NIM được cải thiện. “Chúng tôi dự kiến NIM sẽ cải thiện nhẹ ở mức 8 điểm cơ bản trong năm 2024 so với năm 2023, và tăng 12-13 điểm cơ bản/năm trong năm 2025 và 2026”, báo cáo nêu rõ.

  Bên cạnh đó, Vietcap cũng điều chỉnh giảm chi phí tín dụng trung bình giai đoạn 2024-2028 từ 1,0% xuống 0,8% do có quan điểm lạc quan hơn về sự phục hồi của ngành bất động sản. Triển vọng khả quan của TCB cũng sẽ góp phần tích cực vào lợi nhuận chung của Masan.

  Tích cực với triển vọng của Masan, trong báo cáo gần đây, Vietcap duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng của mảng tiêu dùng hàng đầu với phạm vi hoạt động rộng khắp của MSN. Masan sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng tiêu dùng tại Việt Nam trong dài hạn. Đơn vị này tăng giá mục tiêu và khuyến nghị MUA cổ phiếu MSN với giá mục tiêu là 102.800 đồng/cổ phiếu.

  “Chúng tôi tin rằng mảng kinh doanh tiêu dùng đa dạng của MSN có vị thế tốt cho tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam. Chúng tôi dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm của lợi nhuận hoạt động kinh doanh (CAGR EBIT) là 18% trong giai đoạn 2023-28F cho mảng bán lẻ tiêu dùng của MSN”, báo cáo nêu rõ.

  M.Hữu

  Link gốc

Miễn trừ trách nhiệm:Các ý kiến ​​trong bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không phải lời khuyên đầu tư. Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo và không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Nền tảng không chịu trách nhiệm cho bất kỳ quyết định đầu tư nào được đưa ra dựa trên nội dung này.