WikiStock
Tiếng Việt
Tải về
Trang chủ-Tin tức-

Hàng không Đông Nam Á: Cuộc đua mua máy bay để đón đầu nhu cầu du lịch

iconVietstock

2024-06-26 11:50

Đang phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19, Thai Airways International và các hãng hàng không khác ở Đông Nam Á đang ký các hợp đồng mua máy bay lớn trong cuộc đua tận dụng nhu cầu khi du khách trở lại khu vực này.

  Hàng không Đông Nam Á: Cuộc đua mua máy bay để đón đầu nhu cầu du lịch

  Đang phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19, Thai Airways International và các hãng hàng không khác ở Đông Nam Á đang ký các hợp đồng mua máy bay lớn trong cuộc đua tận dụng nhu cầu khi du khách trở lại khu vực này.

  Thai Airways cho biết họ sẽ hoàn thành tái cơ cấu vào cuối năm 2024, sớm hơn một năm so với kế hoạch nhờ vào tình hình tài chính được cải thiện. Điều này sẽ cho phép hãng tái niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan.

  Khi hoạt động kinh doanh phục hồi, công ty đã ký hợp đồng với Boeing và các hãng khác để mua tổng cộng 45 máy bay. Kế hoạch là tăng đội bay từ 70 máy bay vào cuối năm 2023 lên 96 vào năm 2033. Trước đại dịch COVID-19, hãng có 103 máy bay vào năm 2019.

  Chúng tôi vẫn cần cải thiện thêm về phần cứng, điều này có nghĩa là đầu tư vào ghế ngồi, thiết bị và tái trang bị, nâng cấp máy bay cùng với việc mua máy bay mới, ông Chai Eamsiri, Giám đốc điều hành Thai Airways, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí hàng không Mỹ vào tháng 5/2024.

  Phụ thuộc nhiều vào du lịch, Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp hạn chế đi lại trong thời đại dịch. Thái Lan đón 6.7 triệu du khách vào năm 2020, giảm hơn 80% so với năm trước, theo dữ liệu từ Chính phủ.

  Thai Airways lỗ ròng 28 tỷ baht (762 triệu USD) trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020. Gánh nặng nợ vượt quá giá trị tài sản ròng, do đó công ty đã nộp đơn xin tái cơ cấu doanh nghiệp theo luật phá sản Thái Lan.

  Thực tế, các hãng hàng không Đông Nam Á không nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ như các đối thủ lớn ở Mỹ và châu Âu. Với tài chính không lành mạnh như các hãng hàng không Nhật Bản, tình hình kinh doanh xấu đi buộc họ phải trải qua quá trình tái cơ cấu quy mô lớn.

  Thai Airways đã thực hiện 400 sáng kiến cắt giảm chi phí kể từ năm 2021 theo kế hoạch phục hồi.

  Kết quả là, đến tháng 6/2023, hãng đã giảm gần một nửa số lượng nhân viên và máy bay. Họ đã giảm từ 12 máy bay xuống còn 5, và từ 9 loại động cơ xuống 4 để giảm chi phí bảo trì. Hãng này cũng xem xét lại các hợp đồng thuê máy bay và cải thiện hoạt động trong bộ phận kỹ thuật của mình. Việc cắt giảm chi phí đã có hiệu quả khi môi trường kinh doanh cải thiện với sự phục hồi gần đây của nhu cầu. Hãng đã ghi nhận lãi ròng 28 tỷ Baht trong năm 2023, lần đầu tiên có lãi trong hai năm.

  Thái Lan đã đón 12 triệu du khách nước ngoài từ tháng 1-4/2024, phục hồi gần 90% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng này, Chính phủ Thái Lan đã mở rộng chương trình miễn thị thực từ 57 quốc gia lên 93 quốc gia, tạo thêm động lực cho ngành hàng không.

  Các hãng hàng không khác cũng đang đầu tư mạnh vào việc mở rộng năng lực. Chẳng hạn, Philippine Airlines đang tăng gấp 3 lần vốn đầu tư lên 450 triệu USD cho năm kết thúc vào tháng 12/2024, nhằm nâng cấp và bảo dưỡng đội bay. Hãng sẽ đặt hàng 22 máy bay mới cho các tuyến bay đến Bắc Mỹ và các khu vực khác.

  Garuda Indonesia cũng sẽ thêm 8 máy bay mới trong năm nay, nâng đội bay hoạt động lên 80 chiếc vào cuối năm.

  Trước đó, Philippine Airlines đã nộp đơn xin phá sản tại Mỹ do ảnh hưởng của đại dịch. Vào năm 2020, hãng đã giảm chi phí hoạt động bay và bảo trì thiết bị gần 50% so với năm trước. Garuda cũng đang mở rộng trở lại sau khi tái cơ cấu nợ.

  Bên cạnh sự phục hồi lợi nhuận, tiềm năng tăng trưởng của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong khu vực đang làm cho các hãng hàng không trở nên lạc quan.

  Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo doanh thu hành khách tính theo km của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 17% hàng năm vào năm 2024, đây sẽ là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

  Hiệu suất bay cao của Singapore Airlines cũng đang khuyến khích đối thủ đầu tư mạnh. Chính phủ Singapore là nước đầu tiên ở Đông Nam Á một phần dỡ bỏ lệnh cấm đi lại từ nước ngoài vào tháng 9/2021. Để lấy lại thị phần từ các đối thủ châu Âu và Mỹ, Singapore Airlines đã nhanh chóng tăng số lượng chuyến bay.

  Lợi nhuận ròng của hãng trong năm kết thúc vào tháng 3/2024 đạt hơn 2.67 tỷ SGD (1.97 tỷ USD), tăng 24% so với năm trước. Đây cũng là mức lãi kỷ lục trong hai năm tài chính liên tiếp.

  Thiếu hụt lao động cũng là vấn đề của tất cả các hãng hàng không. Cathay Pacific của Hồng Kông đã cắt giảm 30% lực lượng lao động trong thời gian tái cơ cấu giữa đại dịch, nhưng kể từ cuối năm 2023, hãng đã phải giảm chuyến bay do thiếu phi công.

  Với sự phục hồi của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, các hãng hàng không Đông Nam Á buộc phải cạnh tranh với các đối thủ châu Âu và Mỹ để thu hút phi công bằng mức lương cao hơn. Ngoài ra, nhiều công đoàn lao động phi công Đông Nam Á phản đối việc tuyển dụng phi công nước ngoài. Việc các hãng hàng không này có thể đảm bảo đủ phi công cho đội bay mở rộng của họ hay không vẫn còn là câu hỏi.

  Một số người cho rằng kế hoạch mua máy bay của các hãng này là quá mức. Khi Thai Airways quyết định mua 45 máy bay, Bộ trưởng Giao thông nước này đã bày tỏ lo ngại về khả năng hãng sẽ chịu lỗ lớn. Các hãng hàng không này vừa mới thoát khỏi tình trạng thua lỗ và nợ nần quá mức, tài chính của họ có thể không đủ mạnh để chịu đựng một sự thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh.

  Trong một trường hợp khác, Vietnam Airlines là một hãng hàng không chưa thể phục hồi, bị lỗ hoạt động năm thứ 4 liên tiếp trong năm 2023.

  Một điểm sáng là hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã có lãi trở lại trong quý 1/2024, nhưng vẫn đang đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ hãng hàng không giá rẻ Vietjet cả trên các tuyến nội địa và quốc tế.

  Tại cuộc họp cổ đông thường niên trong tuần trước, Phó Chủ tịch điều hành Đặng Anh Tuấn cho biết mặc dù giá vé đã tăng 15% đến 17% gần đây, nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho sự gia tăng chi phí nhiên liệu và các chi phí khác.

  Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (HVN), ông Đặng Ngọc Hòa, chia sẻ rằng mâu thuẫn địa chính trị ảnh hưởng đến ngành hàng không toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Nhà nước và Chính phủ đã hỗ trợ Vietnam Airlines qua các biện pháp như giảm thuế, phí và gói hỗ trợ 12,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hòa nhấn mạnh yếu tố nội lực tự thân vẫn quan trọng nhất.

  Trong 4 năm qua, Vietnam Airlines đã kiện toàn bộ máy, cắt giảm nhân sự, tiết kiệm hơn 42,000 tỷ đồng và đàm phán với chủ nợ để giảm chi phí. Theo ông, thời điểm khó khăn nhất đã qua, và từ quý 1/2024 tình hình kinh doanh của công ty đã cải thiện. Vietnam Airlines kỳ vọng đến năm 2025 sẽ xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu và dần xóa lỗ lũy kế.

  Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)

  FILI

Miễn trừ trách nhiệm:Các ý kiến ​​trong bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không phải lời khuyên đầu tư. Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo và không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Nền tảng không chịu trách nhiệm cho bất kỳ quyết định đầu tư nào được đưa ra dựa trên nội dung này.