WikiStock
Tiếng Việt
Tải về
Trang chủ-Tin tức-

"Tay chơi" lớn vừa được chấp thuận đầu tư băng tải gần 1.500 tỷ đồng vận chuyển than đá thẳng từ Lào về Việt Nam

iconCAFEF

2024-07-02 11:01

Diện tích đất dự kiến sử dụng là 23,82ha, công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 15 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 là 15 triệu tấn/năm.

  TIN MỚI

  Lưu lượng xe chở mặt hàng than đá thông quan qua Cửa khẩu quốc tế La Lay - Ảnh: T.T (Báo Quảng Trị)

  Ngày 28/6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Namđoạn qua địa bàn xã A Ngo, huyện Đakrông đối với Công ty TNHH Nam Tiến.

  Mục tiêu của dự án là để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ than trong nước, phục vụ phát triển ngành kinh tế; đồng thời giảm áp lực thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 15D.

  Dự án đầu tư xây dựng tuyến băng tải với tổng chiều dài khoảng 6.115 m, các trạm chuyển tải và hệ thống dây chuyền công nghệ tiếp nhận và vận chuyển than được điều khiển tự động bao gồm các hạng mục: Hệ thống camera giám sát, thông tin liên lạc, hệ thống kiểm soát người, hàng hóa và điều khiển tự động băng tải; cân băng tải điện tử; cung cấp điện, cấp nước, phòng cháy chữa cháy... và các hạng mục phụ trợ đồng bộ khác. Điểm đầu tuyến tại đường biên giới Việt Nam - Lào, qua điểm mốc dấu V1 đến trạm chuyển tải TKB2; điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam (thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).

  Diện tích đất dự kiến sử dụng là 23,82ha, công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 15 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 là 15 triệu tấn/năm.

  Giai đoạn 1 dự kiến triển khai từ năm 2024 sẽ đầu tư tuyến băng tải có năng suất vận chuyển 3.000 tấn/giờ (tương đương 15 triệu tấn/năm). Tuyến băng tải được bố trí gồm 2 băng tải công suất mỗi băng là 1.500 tấn/h nằm song song trên hệ thống cột, dàn, cầu đỡ chung.

  Giai đoạn 2 dự kiến triển khai từ năm 2030 sẽ đầu tư bổ sung tuyến băng tải có năng suất vận chuyển 3.000 tấn/giờ (tương đương 15 triệu tấn/năm), chạy song song và gần sát với tuyến băng tải giai đoạn 1.

  Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.489 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 297,85 tỷ đồng, chiếm 20% giá trị tổng mức đầu tư dự án; vốn vay từ các ngân hàng thương mạ 1.191,42 tỷ đồng, chiếm 80% giá trị tổng mức đầu tư. Thời gian hoạt động của dự án là 30 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

  Về tiến độ, giai đoạn 1 dự án dự kiến sẽ khởi công vào quý 1/2025; đến quý 4/2026, dự án được tổ chức nghiệm thu đưa vào hoạt động. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ khởi công trong quý 1/2030 và nghiệm thu đưa vào hoạt động trong quý 4/2031.

  Công ty TNHH Nam Tiến có trụ sở chính tại tỉnh Thái Nguyên, giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Phan Thế Nam. Trong vòng 3 tháng từ tháng 4 - tháng 6/2024, Nam Tiến đã 2 lần tăng vốn điều lệ. Lần đầu tiên vào ngày 10/4/2024, tăng từ 165 tỷ lên 268 tỷ; lần thứ hai vào ngày 7/6/2024, tăng từ 268 tỷ lên 345 tỷ đồng. Trong đó, ông Phan Thế Nam góp hơn 333,6 tỷ, tương ứng 96,7% vốn điều lệ, 3,3% còn lại của ông Nguyễn Văn Đại.

  Nam Tiến cũng góp mặt trong liên danh nhà đầu tư gồm Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn; Công ty TNHH Nam Tiến và Công ty TNHH Phonesack Việt Nam đã được UBND Quảng Trị tỉnh chấp thuận cho lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

  Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư đưa ra 3 phương án gồm: phương án 1 có chiều dài 42,11km với tổng mức đầu tư 3.995 tỷ đồng; phương án 2 có chiều dài 42,18km, có hầm với tổng mức đầu tư 5.686 tỷ đồng và phương án 3 có chiều dài tuyến 43,08km, thiết kế 2 hầm với tổng mức đầu tư 7.165 tỷ đồng. Nhà đầu tư đề xuất lựa chọn phương án 1 vì mức đầu tư thấp nhất, thời gian thu hồi vốn ngắn nhất (gần 19 năm).

  DA hàng nghìn tỷ đồng nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan của ''đại gia'' Hoành Sơn có diễn biến mới

Miễn trừ trách nhiệm:Các ý kiến ​​trong bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không phải lời khuyên đầu tư. Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo và không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Nền tảng không chịu trách nhiệm cho bất kỳ quyết định đầu tư nào được đưa ra dựa trên nội dung này.