Tập đoàn Đất Xanh hơn 20 năm phát triển dưới thời ông Lương Trí Thìn đã có sự lớn mạnh đáng kể, khẳng định được tên tuổi trên thị trường bất động sản... Tuy nhiên, có một điều rất dễ nhận thấy là, bộ sưu tập các dự án của Đất Xanh luôn dính nhiều tai tiếng, lùm xùm. Điều này khiến không ít khách hàng đặt dấu chấm hỏi về văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Lương Trí Thìn là người sáng lập và cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) trong hơn 20 năm qua (từ 2003 – 2024). Tuy nhiên, vào ngày 3/7 mới đây, Tập đoàn Đất Xanh đã có nghị quyết hội đồng quản trị về việc thay đổi Chủ tịch Tập đoàn. Theo đó, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT Đất Xanh sẽ thôi giữ chức vụ hiện tại. Người được thay thế ông Thìn là ông Lương Ngọc Huy, từng là Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh.
Việc dừng chân trong vai trò người điều hành Đất Xanh Group của ông Lương Trí Thìn đã khiến không ít người tiếc nuối. Bởi hành trình hơn 20 năm phát triển dưới thời của ông, Đất Xanh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ một doanh nghiệp phân phối bất động sản non trẻ, Đất Xanh vươn lên là một doanh nghiệp vừa phân phối vừa đầu tư có tên tuổi, có thương hiệu và đặc biệt là có độ phủ sóng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, nhiều người lại cho rằng, sự kết thúc của hành trình này sẽ mở ra hành trình khác, thậm chí là cơ hội để doanh nghiệp có sự đổi mới, bứt phá. Bởi trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, Đất Xanh dưới thời ông Lương Trí Thìn cũng để lại không ít thất vọng cho khách hàng khi nhiều dự án dính sai phạm, lùm xùm, tai tiếng.
Bộ sưu tập những dự án tai tiếng
Sau hơn 2 thập kỷ phát triển, Tập đoàn Đất Xanh đã và đang triển khai gần 20 dự án, hợp tác phát triển hơn 50 dự án, tổng sản phẩm phân phối mỗi năm khoảng 30.000 sản phẩm. Trong số này, có không ít dự án làm nên tên tuổi của doanh nghiệp nhưng cũng không ít dự án là “vết nhơ” mà mỗi khi nhắc đến, rất nhiều người dân bày tỏ bức xúc.
Đơn cử như Dự án khu dân cư theo quy hoạch 92,2ha tại xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (tên thương mại là Gem Sky World). Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An, công ty con của Tập đoàn Đất Xanh làm chủ đầu tư.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng đã mua sản phẩm tại dự án này, chủ đầu tư Gem Sky World đã không đảm bảo cam kết về thời gian, tiến độ bàn giao nhà đất; cam kết về hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho khách hàng.
Cụ thể, nhiều khách hàng đã tự bỏ tiền, không vay ngân hàng và giao dịch trực tiếp với Công ty Hà An để mua nền đất, nhà phố tại dự án Gem Sky World. Trong đó, có trường hợp đến nay đã thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, sau thời gian dài, chủ đầu tư vẫn không cung cấp đầy đủ tiến độ dự án, thời gian cụ thể bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Một số khác là những khách hàng vay ngân hàng thông qua Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Công ty DXS), là công ty con khác của Đất Xanh Group. Theo cam kết, khách giao dịch các sản phẩm bất động sản thuộc dự án Gem Sky World sẽ được Công ty DXS hỗ trợ lãi vay ngân hàng trong thời gian 24 tháng. Tuy nhiên, Công ty DXS sau khi thực hiện một phần thì không còn khả năng tiếp tục thực hiện cam kết hỗ trợ lãi suất theo thỏa thuận. Điều này dẫn đến nhiều khách hàng bị chuyển nợ xấu trong khi chưa hết thời gian được Công ty DXS hỗ trợ lãi suất theo cam kết.
Chính vì vậy, đã rất nhiều lần các khách hàng mua sản phẩm tại Gem Sky World đã kéo đến trụ sở Đất Xanh Group để căng băng rôn đòi quyền lợi.
Được biết, hồi tháng 10/2023, chủ đầu tư dự án Gem Sky World đã bị UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng về huy động vốn không đúng quy định với số tiền 900 triệu đồng. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên, trong thời gian 360 ngày kể từ khi nhận được quyết định xử phạt, Công ty Hà An còn phải hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định.
Các khách hàng dự án Gem Sky World kéo lên trụ sở Đất Xanh Group đòi sổ đỏ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, lãnh đạo Đất Xanh cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng trong năm nay là hoàn thiện pháp lý dự án, trọng điểm là 8 dự án tại khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Điển hình là dự án Gem Riverside, Gem Sky World, Opal Luxury.
Với riêng dự án Gem Sky World, đại diện Tập đoàn thông tin đã bán khoảng 2.300 sản phẩm, còn lại khoảng 1.800 sản phẩm. Doanh thu dự kiến còn lại khoảng 10.000 tỷ đồng.
Như vậy có nghĩa, Đất Xanh thừa nhận dự án Gem Sky World chưa hoàn thiện pháp lý đã đem bán, thực hiện các giao dịch với khách hàng?
Tương tự, tại dự án Opal Boulevard trên đường Phạm Văn Đồng, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Công ty Hà An làm chủ đầu tư, nhiều khách hàng cũng tố dự án được giao dịch trước khi đủ điều kiện mở bán. Được biết, thời điểm chủ đầu tư dự án nhận đặt cọc giữ chỗ của hàng trăm khách hàng, Opal Boulevard vẫn là một bãi đất trống, bên ngoài được rào chắn sơ sài, bên trong ngổn ngang thiết bị, máy móc, hoàn toàn chưa có dấu hiệu thi công phần móng. Rõ ràng, khi chưa đủ điều kiện mở bán, việc triển khai huy động vốn từ khách hàng là sai với quy định và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua.
Ngoài việc bán dự án chưa đủ điều kiện, nhiều người dân còn “khóc ròng” với hợp đồng mua bán nhà mập mờ các điều khoản tại dự án Opal Boulevard.
Theo các khách hàng mua dự án này, chủ đầu tư quảng cáo một nơi thực hiện một nẻo. Cụ thể, khi mời chào khách hàng đặt cọc sản phẩm, chủ đầu tư cam kết đến quý II/2020 ký hợp đồng mua bán mới phải đóng toàn bộ tiền. Thế nhưng, mới đến giữa quý I/2020, chủ đầu tư đã thông báo khách hàng lên công ty ký hợp đồng mua bán, nếu không ký hợp đồng mua bán đúng thời hạn 1 tháng thì khách hàng sẽ mất toàn bộ tiền cọc 20% giá trị căn hộ. Điều này khiến nhiều người dân không kịp xoay sở.
Ngoài ra, khách hàng mua dự án này còn đứng ngồi không yên khi chủ đầu tư dự án đưa vào nhiều điều khoản hợp đồng bất hợp lý. Ví dụ, nếu khách hàng thanh toán chậm thì chủ đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng và áp dụng phạt 10% giá trị hợp đồng, khách hàng còn phải thanh toán một khoản tiền để khắc phục, hỗ trợ, bù đắp thiệt hại của chủ đầu tư là 30% giá trị khi bị chấm dứt hợp đồng mua bán. Và chỉ sau khi chủ đầu tư bán được căn hộ cho bên thứ ba và nhận đủ tiền thanh toán, thì mới có nghĩa vụ hoàn trả tiền cho khách hàng sau khi đã khấu trừ các khoản xử lý, xử phạt của hợp đồng.
Khách hàng tại dự án Gold Hill nhiều lần đến trụ sở của Đất Xanh Group để đòi quyền lợi.
Không chỉ dự án Gem Sky World hay Opal Boulevard mà nhiều dự khác do Tập đoàn Đất Xanh hoặc công ty con của Tập đoàn Đất Xanh làm chủ đầu tư cũng dính nhiều tai tiếng, sai phạm. Đơn cử như dự án Opal Skyline, hồi đầu năm 2024 vừa bị UBND TP. Thuận An (Bình Dương) xử phạt 90 triệu đồng vì chưa tổ chức nghiệm thu PCCC theo quy định đã bàn giao nhà cho cư dân. Hay dự án Gem Riverside, nhiều khách hàng đã bỏ ra số tiền 200 - 250 triệu đồng để lấy phiếu giữ chỗ mua căn hộ nhưng sau thời gian dài, dự án vẫn không có động thái xây dựng vì liên quan nhiều đến vấn đề pháp lý.Một dự án khác là Gold Hill sau nhiều năm khách hàng mua dự án vẫn không được cấp sổ đỏ.
Dù là một Tập đoàn lớn nhưng với loạt dự án dính nhiều sai phạm, lùm xùm, không đảm bảo cam kết của chủ đầu tư với khách hàng đã khiến nhiều người tỏ rõ nghi ngại về văn hóa kinh doanh của Đất Xanh.
Theo thông tin giới thiệu trên trang của Đất Xanh, sứ mệnh được doanh nghiệp đặt ra là “mang lại sự thịnh vượng cho khách hàng, cổ đông, đối tác”, định hướng là một doanh nghiệp “phát triển nhanh nhưng bền vững”. Thế nhưng, với bộ sưu tập nhiều dự án tai tiếng, luôn gắn liền với những bức xúc của cư dân, liệu rằng Đất Xanh Group đã và đang đi đúng hướng?
Bức tranh kinh doanh kém khả quan
Khi các dự án không được triển khai thuận lợi cùng bối cảnh thị trường bất động sản trải qua nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh của Đất Xanh Group trong hai năm vừa qua đã cho thấy rõ sự đi xuống.
So với mức doanh thu thuần 10.089 tỷ đồng trong năm 2021, DXG chỉ đạt 5.511 tỷ đồng trong năm 2022, giảm gần 50%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm 66%, chỉ đạt 533 tỷ đồng, trong khi năm 2021 đạt 1.595 tỷ đồng.
Sang đến năm 2023, kết quả kinh doanh của DXG tiếp tục kém khả quan khi lợi nhuận giảm hơn 90%, chỉ đạt 150 tỷ đồng, còn doanh thu giảm 33%, chỉ đạt 3.724 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của Đất Xanh tính đến thời điểm cuối năm 2023 là 14.600 tỷ đồng, trong đó, 11.617 tỷ đồng là nợ ngắn hạn.
Với kết quả kinh doanh này, Đất Xanh đã thông qua quyết định không thực hiện chia cổ tức cho cổ đông năm 2023. Như vậy, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đã 5 năm liền không chia cổ tức.
Trong danh sách đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng vừa được Bảo hiểm Xã hội TP.HCM công bố (số liệu chậm đóng tính đến hết ngày 30/04/2024, cập nhật ủy nhiệm chi đến hết ngày 09/05/2024), Đất Xanh Group và một thành viên của Tập đoàn là Đất Xanh Services cùng nợ 4 tháng bảo hiểm cho người lao động với số tiền chậm đóng lần lượt là gần 3,3 tỷ đồng và 596 triệu đồng.
Trước đó, hồi tháng 10/2023, BHXH TP.HCM cũng đã công bố thông tin Đất Xanh Group chậm đóng BHXH tổng 5 tháng hơn 3,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh chậm đóng BHXH tổng 5 tháng hơn 711 triệu đồng, số liệu tính đến hết 30/9/2023. Như vậy, tổng số tiền chậm đóng là hơn 4,3 tỷ đồng.
Rõ ràng, không chỉ không giữ chữ tín với khách hàng, Đất Xanh còn thất hứa với các cổ đông, người lao động của công ty. Điều này cho thấy, văn hóa kinh doanh của Đất Xanh đang thiếu sự bền vững, hoàn toàn đi ngược với những gì mà doanh nghiệp đặt ra.
Theo giới chuyên gia, văn hóa kinh doanh là một trong những yếu tố rất quan trọng của doanh nghiệp. Phát triển văn hóa kinh doanh theo hướng bền vững sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, định hình tương lai và rộng hơn là đóng góp sự thịnh vượng cho đất nước. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản, định hình văn hóa kinh doanh theo hướng bền vững là mấu chốt để tạo nên thương hiệu, tên tuổi, độ uy tín.
Với những doanh nghiệp không kinh doanh bền vững, không đặt lợi ích của khách hàng, đối tác, người lao động lên hàng đầu, chỉ chăm chăm tìm kiếm lợi nhuận trước mắt thì khó “trụ vững” trên thị trường.
Cứ hình dung, nếu các doanh nghiệp bất động sản chỉ chú trọng vào khâu bán hàng, tạo ra nhiều sản phẩm và bán nhanh nhất có thể nhằm thu lợi nhuận, xong thì “đem con bỏ chợ”, không đảm bảo các cam kết với cư dân, chắc chắn dự án đó sẽ quy tụ nhiều bức xúc, tranh chấp giữ chủ đầu tư với người mua nhà. Khi đó, chủ đầu tư sẽ dần bị chính các khách hàng của mình quay lưng, thị trường bất động sản cũng khó phát triển an toàn, lành mạnh.
Trở lại với Đất Xanh Group, trong kế hoạch phát triển năm 2024, Đất Xanh đang mục tiêu doanh thu thuần và lãi ròng đạt lần lượt 3.900 tỷ đồng và 226 tỷ đồng, tăng 5% và 31% so với thực hiện 2023; cùng với đó là thực hiện tham vọng mở rộng quỹ đất, tích lũy nhiều dự án bất động sản. Tuy nhiên, kế hoạch này liệu có khả năng thành hiện thực khi mà các dự án Đất Xanh kiến tạo thường gắn liền với những thất vọng, bức xúc của cộng đồng khách hàng.
Sự cần thiết của việc hiện thực hóa những bản vẽ thành những không gian sống hạnh phúc và đảm bảo sự hài lòng của cư dân là rất quan trọng. Đây chính là một trong những biểu hiện để chứng minh doanh nghiệp bất động sản có văn hóa kinh doanh bền vững. Vì vậy, để hóa giải những chốt chặn khiến Đất Xanh ngày càng xa vời hình ảnh doanh nghiệp bền vững, cần bắt đầu từ đây. Từ việc nói được làm được, từ việc giữ đúng lời hứa với khách hàng, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. /.
Bạn định vị bản thân như thế nào trong nền kinh tế bạc?
Tỷ lệ thanh khoản ETF vượt quá 500% và các quỹ lớn chảy vào ngành bán dẫn
Tại sao cuộc hành trình dầu mỏ đang nóng lên trong năm mới?
Kim loại quý tăng giá, cách phân bổ trong trung và dài hạn
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP