WikiStock
Tiếng Việt
Tải về
Trang chủ-Tin tức-

Bức tranh kinh tế sáng màu hơn

iconCAFEF

2024-07-16 12:30

Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả tích cực của hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm, Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6% - 6,5%.

  TIN MỚI

  Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được một nửa chặng đường với mức tăng trưởng 6 tháng qua đạt 6,42%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định.

Bức

  Công ty CP Phân bón Bình Điền và các doanh nghiệp phân bón khác lãi lớn trong quý II-2024. Ảnh: PHƯƠNG AN

  Lợi nhuận tăng cao

  Bức tranh lợi nhuận quý II/2024 và nửa cuối năm bắt đầu hé lộ với những gam màu tích cực.

  Kết quả kinh doanh quý II/2024 của Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII (mã chứng khoán: LGC) - công ty con của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM - cho thấy tín hiệu khả quan khi doanh thu thuần ghi nhận ở mức 614 tỉ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính (lãi tiền gửi, tiền cho vay...) tăng gấp 12 lần, lên mức 176 tỉ đồng.

  Lợi nhuận sau thuế đạt 308 tỉ đồng, tăng 174% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến nay, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các doanh nghiệp (DN) công bố lợi nhuận quý II/2024.

  Xét đến cuối tháng 6-2024, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của DN này đã giảm gần 400 tỉ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, danh mục tiền và các khoản tương đương tiền tăng gần 250 tỉ đồng, lên mức 946 tỉ đồng, trong đó tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn chiếm phần lớn.

  Công ty CP Chứng khoán MB (mã chứng khoán: MBS) - cũng công bố báo cáo tài chính quý II/2024 ghi nhận tổng doanh thu 886 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và lãi sau thuế 217 tỉ đồng, tăng 75% so với quý II năm ngoái - mức lợi nhuận cao kỷ lục theo quý trong lịch sử hoạt động của MB.

  Theo văn bản giải trình của Công ty CP Chứng khoán MB, tổng doanh thu tăng đột biến nhờ giá trị và khối lượng giao dịch chứng khoán toàn thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ làm cho doanh thu mảng môi giới chứng khoán cũng tăng. Lãi từ cho vay và phải thu tăng gần 88% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 262 tỉ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ. Tính đến cuối quý II/2024, giá trị danh mục cho vay của MB tăng hơn 600 tỉ đồng, nâng dư nợ lên gần 10.000 tỉ đồng.

  Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (mã chứng khoán: CII) ghi nhận lãi sau thuế quý II/2024 tăng 55% so với cùng kỳ, ở mức 129 tỉ đồng, bất chấp doanh thu giảm 17% nhờ giá vốn hàng bán giảm hơn một nửa, giúp lợi nhuận gộp tăng gấp đôi so với quý II/2023 và lợi nhuận ròng từ hoạt động B.O.T Trung Lương - Mỹ Thuận tăng...

  Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa ước tính kết quả kinh doanh quý II với sự phân hóa mạnh của các DN niêm yết ở nhiều lĩnh vực. Chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chứng khoán Rồng Việt đã liệt kê biến động lợi nhuận của một số DN niêm yết ở các lĩnh vực tiêu biểu như ngân hàng, bất động sản KCN, bất động sản dân dụng và xây dựng, phân bón, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thép, công nghệ... Nổi bật bức tranh lợi nhuận khả quan trong quý II và nửa đầu năm nay phải kể đến các DN ngành thép như HPG, HSG, NKG với mức tăng lợi nhuận so với cùng kỳ từ 134% đến 334%. Bức tranh khả quan nhờ sản lượng nội tiếp tục duy trì ở mức cao, riêng HPG đặc biệt mảng thép xây dựng tăng mạnh.

  Với lĩnh vực hàng không, chuyên gia của VDSC dự phóng kết quả kinh doanh của ACV (Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam) tăng 2 con số (33%) nhờ lượng khách quốc tế tăng 30% so với cùng kỳ; khách quốc nội dù giảm nhưng sự vượt trội của khách quốc tế giúp lãi trước thuế của DN này vẫn khả quan. Đồng thời, tổng công ty này cũng được hưởng lợi từ chênh lệch tỉ giá ước tính khoảng 300 tỉ đồng đóng góp vào lãi trước thuế.

Bức

  Đồ họa: LÊ TỈNH

  Phát huy những điểm sáng

  Đánh giá điểm sáng của bức tranh kinh tế nửa đầu năm, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho rằng tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 01. Các động lực tăng trưởng cả cung và cầu đều tăng tích cực.

  Về cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,7% (cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2019), cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 11,6 tỉ USD; tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% (gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái). Về cung, khu vực nông nghiệp tăng 3,4%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%; dịch vụ tăng 6,64%. Theo TS Cấn Văn Lực, dù còn một số cấu phần chưa đạt mức trước dịch song đây là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, cho thấy nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, nhiều khả năng đạt “cận trên” mục tiêu tăng trưởng (6,5%) cả năm nay.

  Bà Trần Thị Ngọc Hòa, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS), nhận định một trong những yếu tố tích cực là đầu tư công sẽ được đẩy mạnh từ nay tới cuối năm. Kế hoạch đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2024 là 669.300 tỉ đồng, tăng 1% so với mức nền cao trong năm 2023. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công lại giảm 7,7% khi chỉ đạt 196.700 tỉ đồng, chỉ bằng 29,4% kế hoạch Thủ tướng giao. “Kỳ vọng việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới trong năm. Theo tính toán, để đạt 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao, bình quân trong 7 tháng còn lại cần giải ngân ít nhất 62.300 - 67.100 tỉ đồng/tháng. Một số dự án lớn trong giai đoạn 2023-2026 gồm sân bay quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 TP HCM, đường Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Trong đó, hoạt động xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang theo đúng tiến độ Chính phủ đề ra” - bà Ngọc Hòa nói.

  Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Cần quyết liệt ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế GTGT, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội... Kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, cũng như các đạo luật vừa được Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm nhất quán, đồng bộ và hiệu lực thực thi. “Cần triển khai có hiệu quả Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cũng như sớm ban hành khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng như cơ chế thử nghiệm - sandbox, cơ chế thí điểm, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, danh mục phân loại xanh, Quy hoạch điện VIII, cơ chế mua - bán điện trực tiếp DDPA” - TS Cấn Văn Lực nói.

  Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết đến hết tháng 6-2024, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024, điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm. Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả tích cực của hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số khó khăn thách thức trên, Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6% - 6,5%.

  Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỉ USD. Trong kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỉ USD.

  Đẩy mạnh mô hình chuỗi liên kết

  Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng Chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu; tăng cường gắn lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối chuỗi cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ DN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chủ lực như: dệt may, da giày, điện tử... Ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2024. “Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các thủ tục tài chính, sự hợp tác linh hoạt và nhanh chóng giữa bộ ngành, địa phương, các nhà đầu tư cần được đẩy mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2024”- bà Hương đề xuất.

  .Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam:

  Chú ý mùa vụ tại Trung Quốc

  Xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm đạt 3,43 tỉ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023, dự báo cả năm 2024 có thể vượt 7 tỉ USD. Nhìn chung, xuất khẩu rau quả các tháng cuối năm chủ yếu thuận lợi khi nhu cầu nhập khẩu tăng theo thông lệ hằng năm. Đặc biệt, thời gian này, Việt Nam sẽ thu hoạch vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước là Tây Nguyên với sản lượng lớn và giá bán cao do chủ yếu là giống Monthong; trong khi các nước trồng sầu riêng trên thế giới hiện còn rất ít hoặc hết sầu riêng tươi. Việt Nam “một mình một chợ” với mặt hàng sầu riêng nên sẽ có được mức giá xuất khẩu cao. Đây là yếu tố lớn nhất đóng góp vào doanh thu xuất khẩu của ngành rau quả các tháng cuối năm. Dù thị trường thuận lợi nhưng các DN phải hết sức chú ý giữ chất lượng, giữ chữ tín để giữ thị trường. Ngoài ra, nông dân và DN xuất khẩu chuối cần chú ý mùa vụ, thời tiết tại Trung Quốc để tránh đụng hàng như năm ngoái khi nước này mùa đông đến trễ, hàng nội địa dồi dào sẽ khiến việc tiêu thụ khó khăn.

  . NGÔ BÍCH QUYÊN- Giám đốc Điều hành Công ty CP Vạn Sơn Thịnh Phát (sở hữu chuỗi cửa hàng Organicfood):

  Chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm

  Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng của công ty đạt 8% so với cùng kỳ nhờ sức mua đang hồi phục, tâm lý tiêu dùng đã ổn định trở lại. Không như một số ngành hàng khác, người tiêu dùng vẫn ưu tiên chi tiêu cho những loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, nhờ DN đưa ra các giải pháp như “mua chung” để người tiêu dùng có mức giá tốt hơn. Các tháng cuối năm là thời điểm có nhiều dịp lễ đặc biệt, sức mua dự báo sẽ tăng nhưng khó có sự đột phá do sự phục hồi kinh tế vẫn chưa mạnh mẽ. Organicfood tiếp tục tung ra nhiều sản phẩm mới, tối ưu hóa vận hành để cải thiện doanh thu cũng như hiệu quả kinh doanh.

  V.Ngọcghi

  Bức tranh kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm - Sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm

Miễn trừ trách nhiệm:Các ý kiến ​​trong bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không phải lời khuyên đầu tư. Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo và không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Nền tảng không chịu trách nhiệm cho bất kỳ quyết định đầu tư nào được đưa ra dựa trên nội dung này.