6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, giảm nhẹ so với mức thực hiện năm 2023.
Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: MOF
Ngày 15/7, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, 6 tháng đầu năm kết quả thu NSNN khả quan đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong khi, chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, giảm nhẹ so với mức thực hiện năm 2023.
Trong cơ cấu chi, chi đầu tư phát triển ước đạt 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 8,8% (16,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,7% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 43,7% dự toán.
6 tháng đầu năm, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 6 tháng tăng 4,08% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết, đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Đồng thời, đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam.
Đối với thị trường bảo hiểm, trong 6 tháng đầu năm tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt khoảng 109 nghìn tỷ đồng, giảm 6,76% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản đạt 951,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,57%.
Tính đến ngày 30/6, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra đã kiến nghị xử lý tài chính trên 50 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 8,7 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 6,1 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 41,3 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN được giao năm 2024 ở mức cao nhất, ngành Tài chính tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm:
Một là tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã đề ra.
Hai là quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Đồng thời tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Ba là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Thứ tư là tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu NSNN.
Đình Vũ-Link gốc
Các công ty giấy tăng giá, thị trường đang cải thiện
Có kính AI sẽ là xu hướng tiếp theo không?
Thị trường cổ phiếu A tiếp tục giảm dưới mức kỷ lục
Chỉ số Hang Seng giảm trong ngày thứ hai liên tiếp, đóng cửa thấp hơn 301 điểm
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP