UPCoM sắp chào đón thêm một doanh nghiệp bao bì nhựa
Nhựa sinh thái Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị để đưa 20 triệu cp lên hệ thống giao dịch UPCoM. Mã chứng khoán dự kiến là ECO.
Ngày 12/07, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo về việc CTCP Nhựa sinh thái Việt Nam (ECO) chính thức trở thành công ty đại chúng. ECO cũng vừa ra thông báo đến cổ đông nhằm chốt danh sách để đăng ký lưu ký tập trung tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), cũng như đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch UPCoM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo đó, dự kiến trong thời gian quý 3 đến quý 4 năm nay, ECO sẽ đăng ký giao dịch 20 triệu cp, tương đương vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Cổ đông có nhu cầu nhận/chuyển nhượng cổ phần hoặc cập nhật, điều chỉnh thông tin sẽ đến Công ty để làm thủ tục trước ngày 22/07/2024.
Mảng chính của ECO là sản xuất và xuất khẩu bao bì nhựa; kinh doanh thương mại hạt nhựa. Các sản phẩm thương mại có thể kể đến bao bì đựng rác, bao bì in nhiều màu, bao bì cuộn, bao bì siêu thị,… chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, trong đó gần 90% vào châu Âu (Pháp, Hà Lan, Anh, Ý, Đức). Còn thị trường Mỹ, Úc, một số nước châu Á và châu Phi chiếm trên 10%. Hoạt động sản xuất sản phẩm bao bì nhựa đóng vai trò chủ lực trong nguồn thu của ECO, chiếm 50-70% cơ cấu doanh thu trong những năm qua.
Công ty sử dụng nguyên liệu đầu vào chính là hạt nhựa PE. Số lượng lao động, bao gồm cả cán bộ, nhân viên khoảng 112 người (tính đến cuối năm 2023). Hiện doanh nghiệp nhựa đặt trụ sở tại huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Vốn điều lệ gấp 33 lần trong 10 năm
Thành lập vào tháng 03/2015 với vốn điều lệ chỉ 6 tỷ đồng, ECO khởi đầu từ nhà máy có diện tích hơn 3,600m2, sản xuất 150 tấn sản phẩm/tháng, đặt tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Đến năm 2017, ECO tăng vốn lên 20 tỷ đồng thông qua hình thức cổ đông chuyển nợ thành vốn góp và phát hành 140 ngàn cp với giá 100,000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu. Công suất nhà máy sau đó tăng hơn 20%, đạt 200 tấn sản phẩm/tháng do nâng cấp thêm một số hế thống, thiết bị. Doanh thu năm này đạt 143 tỷ đồng.
Cũng với hình thức huy động trên, năm 2019, vốn điều lệ Công ty lên 50 tỷ đồng. Công suất nhà máy tiếp tục được nâng lên 300 tấn sản phẩm/tháng và sau đó là 600 tấn/tháng vào năm 2020. Doanh thu năm 2019 lên mức 182 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh nghiệp bao bì nhựa có 2 đợt liên tiếp chào bán cổ phần cho cổ đông, đưa vốn đạt con số hiện tại, 200 tỷ đồng. Thời điểm này, ECO đầu tư sở hữu 45.71% vốn CTCP Nhựa Tân Quang. Công ty này có vốn điều lệ 70 tỷ đồng và kinh doanh thương mại hạt nhựa; địa chỉ cũng tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Liên quan tới Nhựa Sinh thái Việt Nam, vào tháng 03/2023, CTCP Đầu tư phát triển ST8 (HOSE: ST8) đã đầu tư ngắn hạn tại đây bằng việc mua 65% cổ phần với giá 182 tỷ đồng. Tới tháng 5 cùng năm, ST8 quyết định bán toàn bộ cổ phần Nhựa Sinh thái Việt Nam với giá 185.1 tỷ đồng, giao dịch này ST8 lãi hơn 3 tỷ đồng. |
Doanh thu năm 2023 của ECO đạt khoảng 276 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2022, hoàn thành 98% kế hoạch nhờ tập trung đẩy mạnh hoạt động thương mại nhựa, tận dụng lợi thế nguồn cung nguyên liệu. Lãi sau thuế theo đó gấp 10 lần, ghi nhận 12.5 tỷ đồng. Tỷ trọng nguồn thu từ nội địa nâng lên gần 57% doanh thu, cao hơn nhiều so với mức 35% của năm 2022.
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản khoảng 264 tỷ đồng, trong đó 13 tỷ đồng là tài sản cố định hữu hình, mà chủ yếu là máy móc và thiết bị. Vốn chủ sở hữu 210 tỷ đồng. Dư nợ vay ngân hàng hơn 40 tỷ đồng, đảm bảo bằng tài sản của Công ty hoặc quyền sử dụng đất và nhà ở của ông Nguyễn Văn Bình và bà Nguyễn Thị Lương.
Về năm 2024, ECO đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 350 tỷ đồng và 13.6 tỷ đồng, tăng 27% và 9% so với thực hiện năm ngoái. Trong đó, doanh thu thương mại 150 tỷ đồng, doanh thu sản xuất 200 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến tỷ lệ 7%.
Thời gian tới, Công ty dự kiến sẽ khai thác sâu tại các thị trường châu Âu và châu Phi. Hướng đến nâng cấp dây chuyền và máy móc thiết bị, tăng công suất lên 1,000 tấn/tháng.
Chủ tịch từng là thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam
Tính đến tháng 11/2023 – ngày đáp ứng điều kiện trở thành công ty đại chúng – ECO có 117 cổ đông, trong đó 114 cổ đông không phải cổ đông lớn, sở hữu tỷ lệ 58.75% vốn.
Đến cuối quý 1/2024, 3 cổ đông lớn nắm 41.25% gồm ông Nguyễn Văn Bình (20%), ông Nguyễn Hữu Dương (11.25%) và ông Nguyễn Đình Tuấn (10%). Cả 3 người đều nằm trong HĐQT, trong đó ông Bình giữ chức Chủ tịch. Còn ông Dương kiêm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc. Ngoài ra, Thành viên HĐQT còn có ông Nguyễn Thành An (thành viên độc lập) và ông Đào Quốc Hùng.
Trước khi lên vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1956) có 5 năm làm cố vấn chiến lược cho ECO, giai đoạn 2017 – 2022. Ông từng là thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam thời kỳ 2009 – 2016. Hiện vợ ông Bình là bà Nguyễn Thị Lương nắm 4.9% vốn ECO.
Còn ông Nguyễn Hữu Dương (1976) tham gia vào Công ty từ năm 2019 với vai trò Giám đốc Tài chính và được bổ nhiệm Tổng Giám đốc từ tháng 09/2022. Ông Dương từng có thời gian dài làm cho CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (UPCoM: HNF), từ năm 1997 – 2012, vị trí cao nhất tại đây là Phó Tổng Giám đốc.
Theo báo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), các doanh nghiệp sản xuất trong ngành nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38% (khoảng hơn 1,500 doanh nghiệp), đóng góp 66% vào giá trị xuất khẩu nhựa hàng năm của Việt Nam.
Thống kê từ VietstockFinance cho thấy mảng sản xuất sản phẩm nhựa tương đối “chật chội” với khoảng 34 công ty đang được niêm yết trên HOSE (9 công ty), HNX (15 công ty) và sàn giao dịch chưa niêm yết UPCoM (10 công ty).
Nói về tương quan trong ngành, ECO thừa nhận có tuổi đời còn non trẻ và vị thế trên thị trường còn hạn chế nếu so với các doanh nghiệp quy mô lớn, đa dạng loại hình sản phẩm nhựa và bề dày hoạt động như Nhựa An Phát Xanh, Nhựa Bình Minh, Nhựa Đông Á,…
Quy mô vốn điều lệ một số doanh nghiệp đầu ngành nhựa (Đvt: tỷ đồng) |
Tử Kính
FILI
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP