Ông cảnh báo rằng khi lãi suất làm chậm nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng, dẫn đến suy thoái.
Bill Dudley, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) New York cảnh báo rằng việc cắt giảm lãi suất ngay bây giờ có thể không còn đủ để ngăn chặn suy thoái, đồng thời nhấn mạnh việc trì hoãn cắt giảm thêm một tháng nữa sẽ chỉ làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
“Mặc dù có thể đã quá muộn để ngăn chặn suy thoái bằng cách cắt giảm lãi suất, nhưng việc trì hoãn lúc này sẽ làm tăng rủi ro một cách không cần thiết”, ông nói.
Dữ liệu lao động và lạm phát hạ nhiệt đã thuyết phục thị trường rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, Dudley cho rằng điều này cũng đã quá muộn và Ngân hàng Trung ương tốt hơn hết nên điều chỉnh lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Tuy nhiên, ít nhà đầu tư kỳ vọng điều này sẽ xảy ra và Fed cũng nhấn mạnh vào việc ưu tiên chờ đợi. Theo công cụ FedWatch của CME, khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 7 hiện chỉ là 7%, so với mức gần như đồng thuận là 88% cho tháng 9.
“Nếu chúng ta nới lỏng chính sách quá muộn hoặc quá ít, điều này có thể gây tổn hại đến hoạt động kinh tế”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trước Ủy ban Thượng viện Mỹ vào đầu tháng 7.
Ảnh minh họa
Mặc dù Dudley cũng đồng tình với ý tưởng rằng lãi suất nên duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn cho đến khi Fed đạt được mục tiêu lạm phát là 2%, ông lưu ý rằng các điều kiện vĩ mô đã có chiều hướng xấu đi.
Trong khi việc thắt chặt tiền tệ của Fed dường như không đủ trong những năm qua do chi tiêu tiêu dùng cao và bùng nổ đầu tư, Dudley cho biết rằng tác động của nó hiện đang trở nên rõ ràng.
Ông cho biết, tiền tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch đang cạn kiệt, hoạt động xây dựng nhà ở đang suy thoái và động lực từ các sáng kiến đầu tư do Chính phủ dẫn đầu - chẳng hạn như cơ sở hạ tầng và chất bán dẫn - đang suy yếu.
Theo Dudley, sự chậm lại này cho thấy sẽ có ít việc làm hơn trong tương lai, và sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp có thể kích hoạt một chỉ báo suy thoái gần như chắc chắn có tên “Quy tắc Sahm”.
Chỉ báo này theo dõi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng và nhấp nháy màu đỏ khi số liệu này cao hơn 0,5% so với mức thấp nhất trong 12 tháng.
“Điều đáng lo ngại nhất là tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng đã tăng 0,43 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước đó - rất gần với ngưỡng 0,5% theo Quy tắc Sahm, vốn luôn báo hiệu một cuộc suy thoái đối nền kinh tế Mỹ”, Dudley cho biết.
Mặc dù vậy, Dudley cho rằng Fed có thể không quan tâm đến việc phá vỡ Quy tắc Sahm. Những người thờ ơ với quy tắc này đã giải thích rằng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng là hậu quả của lực lượng lao động tăng nhanh, chứ không phải do tình trạng sa thải gia tăng, ông nói.
Nhưng ngay cả khi điều này xảy ra, Dudley nói thêm rằng nó cũng không làm cho chỉ số này kém nhạy bén hơn. Quy tắc này đã dự đoán chính xác các cuộc suy thoái vào những năm 1970, thời điểm lực lượng lao động cũng đang tăng nhanh.
Tháng trước, Claudia Sahm, người tạo ra quy tắc này, cũng đã kêu gọi Fed chú ý nhiều hơn đến nó . Bà cho biết: “Tôi không dự đoán suy thoái, nhưng đó là một rủi ro thực sự, và tôi không hiểu tại sao Fed lại thúc đẩy rủi ro đó. Tôi không chắc họ đang chờ đợi điều gì.”
Theo Dudley, có hai lý do khác khiến Fed có thể phải đợi đến tháng 9 mới cắt giảm lãi suất.
Ông cho rằng Ngân hàng Trung ương không muốn phạm sai lầm khi tuyên bố chiến thắng lạm phát quá sớm, vì sự giảm nhẹ lạm phát năm ngoái đã chứng tỏ chỉ là tạm thời. Ngoài ra, Dudley nghi ngờ rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell đang tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn cho việc cắt giảm lãi suất.
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP