Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc cuộc họp tháng 6/2024 và các thông điệp sau cuộc họp cho thấy, cơ quan này sẽ chỉ hạ lãi suất 1 lần trong năm 2024, đây cũng là một kịch bản có tính trung lập. Chỉ số DXY vẫn có những biến động bấp bênh và là yếu tố đáng quan tâm đến tỷ giá của VND.
Cán cân của đồng USD sẽ vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến sự so sánh với VND. Ảnh tư liệu minh họa
Khả năng chỉ có 1 đợt hạ lãi suất
Trước khi FED công bố quyết định chính sách, Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố dữ liệu cho thấy, trong tháng 5/2024, CPI tổng thể của Mỹ tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ, còn CPI lõi tăng 3,4%. Cả hai đều thấp hơn dự báo của các chuyên gia.
Một điểm đáng chú ý sau cuộc họp là FED đã nâng dự báo lạm phát tổng thể lên mức 2,6% và lạm phát lõi lên mức 2,8% trong năm 2024. Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát yêu thích của FED – tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ, còn PCE lõi ở mức 2,8% trong tháng 4/2024. Các con số này đã rất gần với dự báo mới nhất của FED.
Dự báo mới của các quan chức FED cho thấy, họ vẫn tin rằng lạm phát đang hạ nhiệt và sẽ đạt mục tiêu 2%, từ đó cho phép họ có thể thực hiện các hành động nới lỏng chính sách trong năm nay. Trong tuyên bố sau cuộc họp, Ủy ban thị trường mở của FED (FOMC) cho biết: “Lạm phát đã hạ nhiệt trong năm qua, nhưng vẫn còn cao”. FED cũng lưu ý về những tiến bộ trên mặt trận chống lạm phát. Tuyên bố chính sách của cơ quan này cũng đề cập nội dung cho biết, trong những tháng gần đây, đã có thêm những tiến bộ khiêm tốn hướng tới mục tiêu lạm phát 2%.
Tuy nhiên, trong dự báo mới nhất (biểu đồ dot plot), các quan chức FED chỉ kỳ vọng sẽ giảm lãi suất một lần trong năm 2024. Vào đầu năm nay, các quan chức từng dự báo sẽ có tới ba lần cắt giảm.
Chiến lược gia của Tổ chức tài chính JPMorgan là ông Marko Kolanovic, cảnh báo kỳ vọng về khả năng hạ lãi suất đã ít hơn sau báo cáo việc làm tháng 5 tốt hơn mong đợi. Ông này bình luận, triển vọng nới lỏng trong năm nay giảm dần và hiện dự kiến đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED chỉ có thể diễn ra vào tháng 11.
Trong khi đó theo công cụ theo dõi FEDWatch của CME, khả năng hạ lãi suất trong 2 cuộc họp vào tháng 9 và tháng 11 đang gần ngang nhau với mức 48%. Điều này có nghĩa là thị trường vẫn còn khá khó khăn để dự báo được rằng, đợt cắt giảm lãi suất nếu diễn ra thì nó sẽ rơi vào tháng 9 hay tháng 11.
Các yếu tố chi phối tỷ giá VND
Với thị trường trong nước, kịch bản về khả năng FED chỉ thực hiện một đợt hạ lãi suất trong năm 2024 có thể coi là một kịch bản trung lập. Theo đó, FED mặc dù chưa thực hiện hạ lãi suất trong cuộc họp vừa diễn ra, nhưng điều đó cũng nằm trong dự báo và khi các chỉ số lạm phát của Mỹ có phần hạ nhiệt, niềm tin vẫn có ít nhất một đợt hạ lãi suất cũng được củng cố hơn. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD trước và sau thời điểm phiên họp của FED vẫn có những diễn biến bất ổn định.
Cụ thể, DXY đã diễn biến “căng” lên sau động thái Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hạ lãi suất thì có phần dịu đi ít nhiều sau phiên họp của FED, với diễn biến dao động quanh mức trên 104 điểm. Mặc dù vậy, những ngày sau đó, chỉ số này lại có biểu hiện nhích tăng trở lại và đến sáng ngày 14/6 theo giờ Việt Nam, chỉ số DXY lại nhích lên mốc trên 105 điểm.
Các chuyên gia tài chính cũng nhận định rằng, cán cân của đồng Đô la Mỹ trên thị trường quốc tế sẽ vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá của đồng tiền này trong sự so sánh với đồng nội tệ của Việt Nam. TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế gia trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, khi FED cắt giảm lãi suất thì đó là yếu tố kỳ vọng khiến cho các đồng tiền trên thế giới có thể tăng giá so với đồng USD, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, việc Mỹ còn trì hoãn việc giảm lãi suất là do họ vẫn còn tin tưởng vào các chỉ số kinh tế vẫn đang trong nhịp tăng trưởng rất tốt. Trong bối cảnh hiện nay, dự báo đồng nội tệ có thể chỉ mất giá khoảng 3,5 – 4% trong cả năm 2024.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, ngay cả kịch bản FED hạ lãi suất thì đó cũng chưa hẳn là kịch bản lạc quan hoàn toàn. Ông Nguyễn Bá Hùng - Kinh tế gia trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho biết, FED sẽ cân nhắc giảm lãi suất khi họ thấy nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu. Tuy nhiên, điều đó xảy ra cũng đồng nghĩa là tổng cầu của nền kinh tế Mỹ sụt giảm, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, ông Hùng cho biết, giải pháp cần làm đối với Việt Nam là ngoài việc quan sát động thái của Mỹ xem họ làm gì thì cũng quan tâm đến các yếu tố khơi thông thị trường nội địa, kích thích đầu tư và tiêu dùng nội địa. “Việc làm này sẽ phải mất nhiều thời gian nhưng đó là việc cần làm để dần đưa nền kinh tế có thể giảm bớt sự ảnh hưởng các yếu tố từ bên ngoài” - ông Hùng nói.
FED có thể thực hiện 4 đợt giảm lãi suất trong năm 2025
Thông điệp sau cuộc họp tháng 6 của FED cho thấy, các quan chức FED kỳ vọng sẽ giảm lãi suất quyết liệt hơn trong năm 2025, với 4 đợt giảm lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm. Số lần giảm lãi suất trong năm 2025 theo đó nhiều hơn 1 đợt so với dự báo hồi tháng 3, khi đó, FED chỉ dự báo 3 đợt giảm trong năm 2025. Nếu mọi thứ diễn ra như kỳ vọng hiện nay, lãi suất của FED sẽ giảm về 4,1% vào cuối năm 2025.
Chí Tín-Link gốc
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP