TIN MỚI
Ảnh minh họa
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố biểu lãi suất huy động tiền gửi mới, áp dụng từ ngày 30/7. Theo đó, SHB tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng thêm 0,2 %/năm kể từ hôm nay.
Cụ thể, với tiền gửi trực tuyến – sản phẩm có lãi suất cao nhất tại SHB, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng tại SHB được tăng lên 3,5%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng cũng tăng lên 3,6%/năm.
SHB giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn khác. Trong đó, kỳ hạn 6-8 tháng được áp dụng lãi suất là 4,7%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng đạt 4,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng lên mức 5,2%/năm; kỳ hạn 13-15 tháng là 5,3%/năm; kỳ hạn 18 tháng là 5,5%/năm; kỳ hạn 24 tháng là 5,8%/năm; và kỳ hạn từ 36 tháng trở lên hiện có lãi suất cao nhất, ở mức 6,1%/năm.
Với sự thay đổi trên, BIDV là ngân hàng thương mại thứ 18 tăng lãi suất huy động trong tháng 7 và là ngân hàng lớn tiếp theo gia nhập cuộc đua lãi suất huy động trong tháng này. Trước đó, BIDV, MB, VPBank và Sacombank cũng có động thái tương tự.
Sau khi giảm xuống vùng thấp lịch sử, lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Bước sang tháng 7, đã có 18 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank, PVCombank, PGBank, Sacombank, BIDV, ABBank, Bac A Bank và SHB.
Trong nghiên cứu mới công bố, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, từ đầu quý 2 năm nay, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng; và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5 -1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau.
Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ - Ngân hàng UOB Việt Nam, các mức lãi suất mang tính chất thương mại (huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng…) đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kim loại quý…
Đại diện nhóm nghiên cứu UOB Việt Nam cho rằng, các mức lãi suất thương mại nêu trên đã ở mức rất thấp trong 6 tháng cuối năm 2023 do nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu vốn từ nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng hạn chế, các kênh đầu tư khác cũng gặp khó khăn không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. “Tuy nhiên từ quý 2/2024, tình hình kinh tế đã có những bước cải thiện rõ rệt, và do vậy mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới.”, Ông Quang nhận định.
Với mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn mức lãi suất trong những năm trước dịch bệnh; trong đó lãi suất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng (ngắn hạn) vẫn thấp hơn mức trần quy định, ông Quang cho biết: “Chúng tôi dự báo mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25% đến 0,75% tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6% vào cuối năm 2024. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024”.
Các công ty giấy tăng giá, thị trường đang cải thiện
Có kính AI sẽ là xu hướng tiếp theo không?
Thị trường cổ phiếu A tiếp tục giảm dưới mức kỷ lục
Chỉ số Hang Seng giảm trong ngày thứ hai liên tiếp, đóng cửa thấp hơn 301 điểm
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP