Eximbank đã tìm được bến đỗ?
Xuất hiện trong danh sách cổ đông của Eximbank, cái tên Thắng Phương khiến nhiều người không khỏi tò mò về năng lực tài chính của doanh nghiệp này đến mức nào mà có thể sở hữu hơn 3% vốn nhà băng, tương ứng giá trị cổ phần tính theo mệnh giá vào khoảng gần 534 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần vốn điều lệ của cổ đông tổ chức này.
Nhắc đến Eximbank, có lẽ giới tài chính chỉ ấn tượng với việc ĐHĐCĐ của nhà băng này liên tục bất thành. Câu chuyện “cơm không lành canh không ngọt” giữa các nhóm cổ đông của Eximbank là vấn đề dẫn đến bất đồng, mâu thuẫn ý kiến khiến ròng rã 3 năm nhà băng không thể tổ chức ĐHĐCĐ thành công một cách trọn vẹn như những ngân hàng cùng quy mô khác.
Phải đến năm 2022, Eximbank mới tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, sau… 11 lần bất thành. Cũng trong năm này, loạt cổ đông như Thành Công Group, Âu Lạc hay VinaCapital đều thông báo thoái toàn bộ vốn khỏi nhà băng.
Đáng chú ý, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông lớn nhất của Eximbank lúc bấy giờ, với tỷ lệ sở hữu hơn 15% vốn điều lệ, cũng đã chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với nhà băng từ đầu năm 2022 và hoàn tất rút vốn vào năm 2023.
Sau khi các cổ đông lâu năm thoái sạch vốn, bí mật về cơ cấu cổ đông của Eximbank vẫn được “ẩn giấu” dẫn đến nhiều đồn đoán trên thị trường rằng Eximbank đã về tay một ông lớn bất động sản nào đó hay một nhà băng nhỏ hơn đã lặng lẽ thâu tóm. Phải đến năm nay, khi Luật Các Tổ chức tín dụng mới ban hành yêu cầu, ngày 24/7/2024, Eximbank mới công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của nhà băng tại thời điểm 1/7/2024.
Không có cổ đông lớn
Cơ cấu cổ đông của Eximbank tại thời điểm 01/07/2024 |
Danh sách cổ đông hiện cho thấy, Eximbank không có cổ đông lớn nào (sở hữu trên 5% vốn). Cổ đông nắm tỷ lệ sở hữu nhiều nhất chính là CTCP Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) với 4.9% vốn, tương ứng 85.5 triệu cp EIB. Đứng thứ hai là CTCP Chứng khoán VIX (HOSE: VIX) nắm 3.58% vốn, tương đương 62.3 triệu cp. Theo sau là CTCP Thắng Phương sở hữu 53.4 triệu cp, chiếm 3.07% vốn Eximbank.
Bên cạnh đó, cổ đông cá nhân sở hữu trên 1% vốn điều lệ Eximbank gồm bà Lê Thị Mai Loan - Phó Tổng Giám đốc (1.03%) và bà Lương Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch HĐQT (1.12%). Ngoài ra, nhóm liên quan bà Loan còn nắm 19,540 cp, tỷ lệ 0.0011%.
Không khó để có thể tìm thông tin về 2 cổ đông “nổi cộm” của Eximbank - Tập đoàn Gelex và Chứng khoán VIX, bởi đây đều là 2 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và có mối liên hệ đến ông Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1984) - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gelex. Trước đó, ông Tuấn từng là Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VIX. Ông Tuấn rời VIX kể từ ngày 23/5/2016 và được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc GEX từ tháng 9/2016.
Thấp thoáng bóng dáng ông lớn năng lượng, bất động sản
Còn về Công ty Thắng Phương lại khá kín tiếng vì chưa phải là công ty đại chúng. Cái tên Thắng Phương từng xuất hiện trên truyền thông khi có đơn gửi phản ánh, kiến nghị một số nội dung về tình hình hoạt động của Eximbank vào năm 2020.
Theo tìm hiểu, CTCP Thắng Phương thành lập vào năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 600 triệu đồng. Người quản lý doanh nghiệp là ông Nguyễn Thế Tài (sinh năm 1973). Ông Tài giữ chức Chủ tịch HĐTV Thắng Phương và góp 99% vốn (giá trị 594 triệu đồng), còn lại 6 triệu đồng vốn do bà Lê Thị Mai Loan góp.
Công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực như mua bán ô tô, đại lý bảo hiểm, quản lý bất động sản, chăm sóc cảnh quan.
Đến năm 2016, Thắng Phương thông báo thay đổi người quản lý doanh nghiệp là bà Huỳnh Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1991) - giữ chức danh Tổng Giám đốc và bổ sung thêm ngành nghề mới là khai thác, buôn bán sản phẩm gỗ.
Đến đầu năm 2017, vốn điều lệ của Thắng Phương tăng lên 10 tỷ đồng và danh sách cổ đông không còn tên của ông Tài và bà Loan. Thay vào đó, cổ đông gồm có Tổng Giám đốc Huỳnh Thị Hồng Hạnh góp 7 tỷ đồng (70%) và bà Phạm Thị Ngọc Thanh góp 3 tỷ đồng (30%).
Tháng 8/2017, Thắng Phương tăng vốn lên 50 tỷ đồng, gồm các cổ đông: bà Hạnh góp 57.4%, bà Thanh góp 24.6%, còn lại CTCP Xuất khẩu Lao động Tracodi góp 18%.
Được biết, CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, HOSE: TCD) là công ty mẹ của CTCP Xuất khẩu Lao động Tracodi, với tỷ lệ sở hữu 70% vốn. Đồng thời, Tracodi là công ty con của CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) nắm 51.7% vốn. Mặt khác, ông Nguyễn Thế Tài (sinh năm 1973) - cổ đông sáng lập Công ty Thắng Phương hiện là Thành viên Hội đồng chiến lược BCG.
Một cổ đông sáng lập khác của CTCP Thắng Phương cũng có liên quan đến Tập đoàn BCG là bà Lê Thị Mai Loan. Bà Loan từng là nhân sự chủ chốt và đại diện phần góp vốn của BCG tại Tracodi. Bà cũng từng là Thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2020- 2025 và mới bị miễn nhiệm sau kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Eximbank đã chấm dứt bất ổn thượng tầng?
Rối ren nhân sự cấp “thượng tầng” ở Eximbank được xem là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua, do những chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm cổ đông, khiến Eximbank không thể tổ chức thành công đại hội để bầu HĐQT. Sau 3 năm liên tiếp bất thành (2019-2021), Eximbank đã lần đầu tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần 2 vào ngày 15/02/2022.
Tại đây, đại hội đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) với 7 thành viên, gồm: bà Lương Thị Cẩm Tú - Chủ tịch HĐQT, bà Đỗ Hà Phương, bà Lê Hồng Anh, ông Võ Quang Hiển, ông Nguyễn Hiếu, ông Đào Phong Trúc Đại và ông Nguyễn Thanh Hùng.
Tuy nhiên, ngày 28/6/2023, HĐQT Eximbank công bố nghị quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú. Thay vào đó, bổ nhiệm bà Đỗ Hà Phương - Thành viên HĐQT - giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII.
Sau khi công bố nghị quyết bổ nhiệm Chủ tịch mới, Eximbank phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 để kiện toàn HĐQT vì nhận được đơn của nhóm cổ đông (chiếm 10% số cổ phần Eximbank) thông báo chấm dứt các ủy quyền, đề cử và đề nghị rút bà Đỗ Hà Phương khỏi HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII.
Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 18/9/2023, HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII chính thức gồm: bà Đỗ Hà Phương - Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Quang Dũng, bà Lê Thị Mai Loan, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Trần Tấn Lộc, ông Nguyễn Cảnh Anh và ông Trần Anh Thắng - Thành viên độc lập HĐQT.
Thế nhưng Eximbank vẫn chưa thể yên bề. ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tiếp tục biến động thượng tầng khi miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với bà Lê Thị Mai Loan. Bên cạnh đó, Eximbank bầu bổ sung 1 Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII là ông Nguyễn Hồ Nam - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital.
HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025 |
Báo cáo quản trị bán niên 2024 của Eximbank cho thấy, ông Nguyễn Cảnh Anh là Chủ tịch HĐQT; 4 Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương, ông Trần Tấn Lộc; còn lại là ông Phạm Quang Dũng - Thành viên HĐQT và ông Trần Anh Thắng - Thành viên độc lập HĐQT.
Rối ren thượng tầng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh Eximbank ra sao?
Nhân sự cấp cao liên tục biến động khiến kết quả kinh doanh của Eximbank chịu ảnh hưởng không ít, thể hiện rõ nhất là ở chất lượng cho vay của nhà băng - suy yếu đáng kể với nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn.
Trong giai đoạn rối ren thượng tầng 2019-2021, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Eximbank cũng dâng cao. Tại thời điểm 31/12/2020, nợ nhóm 5 lên gần 2,000 tỷ đồng, gấp 2.3 lần so với cuối năm 2019. Tổng nợ xấu cũng tăng hơn 31%, lên hơn 2,500 tỷ đồng vào cuối năm 2020, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay vượt lên mức 2.5%.
Kể từ đó, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng vẫn duy trì ở mức 1,300-2,600 tỷ đồng (giai đoạn 2021 đến cuối quý 2/2024). Tổng nợ xấu tăng dần đều từ mức 2,200 tỷ đồng (cuối năm 2021) lên mức kỷ lục 4,204 tỷ đồng vào cuối quý 1/2024, sau đó hạ nhiệt về 4,000 tỷ đồng ở cuối quý 2/2024.
Ngoài chất lượng cho vay suy giảm, lãi trước thuế của Eximbank trong giai đoạn “cơm không lành canh không ngọt” giữa các nhóm cổ đông cũng không thể tăng trưởng mạnh mẽ khi lợi nhuận chỉ loanh quanh trên dưới 1,300 tỷ đồng trong 3 năm (2019-2021). Mãi đến năm 2022, sau khi tổ chức được ĐHĐCĐ, lợi nhuận của nhà băng mới có thể chuyển mình, bứt phá lên hơn 3,700 tỷ đồng, gấp 2.1 lần năm 2021. Đây cũng là mức cao nhất lịch sử hoạt động của nhà băng.
Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu tham vọng, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 5,180 tỷ đồng, cao hơn 90% so với kết quả năm 2023. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên 223,500 tỷ đồng, trong đó huy động vốn tăng 10.5%, lên 175,000 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14.6%, lên 161,000 tỷ đồng cùng với tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1.8%.
Khép lại 6 tháng đầu năm 2024, Eximbank mới thực hiện được hơn 28% mục tiêu lợi nhuận năm, với lãi trước thuế tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,474 tỷ đồng. Trong đó thu nhập lãi thuần tăng 23% lên 2,870 tỷ đồng trong khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao, tăng 86% so cùng kỳ năm trước.
Đề cập tới mức độ khả thi khi đề ra kế hoạch tham vọng cho năm nay, lãnh đạo Eximbank cho biết, tôn chỉ của HĐQT và Ban điều hành là tự lực, tự cường, tự trọng và tự hào, còn nếu không hoàn thành, Ban điều hành cũng sẽ chịu trách nhiệm.
Theo quy định tại Điều 63 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, cổ đông cá nhân không nắm quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng; cổ đông tổ chức không nắm quá 10% vốn; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác. Cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu. |
Khang Di
FILI
Byte bác bỏ tin đồn về việc đầu cơ trên các cổ phiếu khái niệm Doubao trên thị trường A-share
Làm thế nào để phát triển một nền kinh tế độ cao thấp
Khái niệm Doubao tăng mạnh, nền kinh tế IPO phát triển mạnh
5G bước vào "nửa sau", cổ phiếu nào là tốt nhất để mua
Tra cứu mọi lúc mọi nơi chỉ với 1 cú chạm
WikiStock APP